Mê mẩn 'Bắc Bling', hãy thử nghe những album này nhé

Điểm trung bình: ( lượt đánh giá )
Mê mẩn 'Bắc Bling', hãy thử nghe những album này nhé
Yếu tố văn hoá truyền thống Việt Nam kết hợp với âm nhạc thịnh hành quả thực là “combo” hoàn hảo tại Vpop thời điểm hiện tại.

Toàn cầu hoá và bản địa hoá từ lâu đã trở thành xu hướng trong âm nhạc đại chúng đương đại Việt Nam. Đó là một hành trình đi để trở về, cùng với sự biến đổi, tạo ra những khả thể của sự sáng tạo, cũng như cách tân trong âm nhạc đương thời với từng trường hợp cụ thể.
Rock được viết trên nền thang âm ngũ cung; world music hay experimental (thể nghiệm), electronic/hiphop kết hợp với âm nhạc truyền thống Việt Nam là những "đặc quyền" của riêng nghệ sĩ Việt. Trong những năm gần đây, xu hướng này càng trở nên được ưa chuộng hơn, và được "pop hóa" (đại chúng hoá) để tiếp cận với đông đảo công chúng.
Thành công của Bắc Bling (Bắc Ninh) của Hoà Minzy, nghệ sĩ Xuân Hinh, Masew và Tuấn Cry khi kết hợp nhiều thể loại âm nhạc khác nhau càng khẳng định xu hướng này. Nếu mê mẩn Bắc Bling thì 5 đĩa nhạc Việt sau đây có thể sẽ khiến bạn thích thú.
Hoàng (2019) - Hoàng Thuỳ Linh
Khi Hoàng Thuỳ Linh ra mắt Để Mị Nói Cho Mà Nghe, bài hát đã nhanh chóng trở thành hit bởi hai lý do: phần âm nhạc đầy uyển chuyển với những thanh âm đến từ future bass cũng nhạc dân ca điện tử (folktronica) và world music.
Yếu tố chính khiến nó trở nên được thích như vậy bởi việc vay mượn yếu tố văn hoá bản địa Tây Bắc và nhân vật văn học (trong Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) với cách tiếp cận của giới trẻ đương thời. Bài hát "chộp bắt" được lối nghĩ đương thời nhưng đồng thời cũng "thắp sáng" những yếu tố đã trở nên quen thuộc.

Album Hoàng phát hành sau đó tiếp tục thể hiện những yếu tố của Để Mị Nói Cho Mà Nghe thành công về mặt đại chúng. Lấy chuyện xưa tích cũ để làm bài học, chia sẻ tâm tình chính là "công thức" của văn hoá dân gian, truyền miệng.
Từ Truyện Kiều (Em Đây Chẳng Phải Thuý Kiều) đến các tục lệ (gồm cả hủ tục như Duyên Âm), truyện cổ tích Tấm Cám (ca khúc Kẽo Cà Kẽo Kẹt) hay văn hoá thờ mẫu hầu đồng (Tứ Phủ),... Tất cả đều vừa lạ, vừa quen. Nó cũng tạo ra một kiểu thưởng thức âm nhạc mang tính (liên văn bản) một cách độc đáo, rất hiếm thấy trong nhạc đại chúng Việt Nam.
DTAP và Hồ Hoài Anh là những nhà sản xuất tài năng giúp cho không gian của Hoàng trở nên đa sắc, hấp dẫn, tươi mới như vậy. Bên cạnh đó, tư duy của Hoàng Thuỳ Linh trong toàn bộ dự án này cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ sau này tiếp nối khai phá các yếu tố văn học, văn hoá truyền thống vào âm nhạc đại chúng đương thời.
Vũ Trụ Cò Bay (2024) - Phương Mỹ Chi, DTAP
Cảm hứng từ văn chương và văn hoá dân gian Việt Nam là những "mã" nhận biết, định hướng nên Vũ Trụ Cò Bay của Phương Mỹ Chi và DTAP. Ngoài những yếu tố hiện đại đến từ nhạc điện tử kết hợp dân gian (folktronica), album mang màu sắc văn hoá Nam Bộ rõ nét.
Những giai điệu trữ tình, vọng cổ, bolero - đờn ca tài tử đã tạo nên những khoảnh khắc độc đáo cho album này (Bóng Phù Hoa, Chiếc Lược Ngà...). Bên cạnh đó, âm hưởng bắc bộ hay ca Huế cũng thấp thoáng trong album Vũ Trụ Cò Bay.
10 bài hát trong album là mười câu chuyện khác nhau, không tạo ra nhằm kết nối một câu chuyện hoàn chính nhưng gắn kết trong mặt thẩm mỹ và thể loại. Giọng hát biến hoá của cô bé dân ca Phương Mỹ Chi là một "thành tố" quyết định để sự thành công của Vũ Trụ Cò Bay. Trong khi đó, sự kết hợp của những rapper như Suboi, Pháo hay các giọng ca như nghệ sĩ Kim Tử Long, Trung Quân mang đến những cuộc "đối thoại" thú vị.
Vũ Trụ Cò Bay của Phương Mỹ Chi và DTAP tiếp tục khẳng định hướng đi folktronica đang trở nên thịnh hành tại Việt Nam. Khi yếu tố truyền thống và hiện đại đồng hiện, nó dự báo một góc nhìn mới về bản sắc và căn tính trong xã hội hiện đại. Ngay cả khi đó chỉ là một sản phẩm âm nhạc đại chúng, mang đến một cảm xúc ngắn như Vũ Trụ Cò Bay hay các nỗ lực tương tự của các nghệ sĩ trẻ khác.