"Gu" nghe nhạc của khán giả trẻ hiện nay
Điểm trung bình: ( lượt đánh giá )
"Gu" nghe nhạc của khán giả trẻ hiện nay
Với đặc tính nhiều khác biệt, thế hệ khán giả trẻ hiện nay luôn là thách thức lớn cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Khán giả trẻ thế hệ Z (Gen Z, gồm những người sinh khoảng từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010), là đối tượng sử dụng quan trọng nhất của rất nhiều ứng dụng âm nhạc.
Yêu thích sự đa dạng
Một nghiên cứu về khán giả nghe nhạc của Hiệp hội Ghi âm Mỹ vừa qua chỉ ra rằng 73% người Mỹ thuộc thế hệ Z sử dụng âm nhạc để đối phó với căng thẳng và lo lắng. Thậm chí, thanh âm của âm nhạc giúp khán giả trẻ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đó chi phối "gu" nghe nhạc của khán giả trẻ hiện nay.
Ở Việt Nam, nét văn hóa nghe nhạc này đang dần hình thành rõ rệt. Nhiều báo cáo cho thấy trung bình một người trẻ nghe nhiều hơn 5 thể loại nhạc. Trong thời đại thị trường nhạc số lên ngôi, các thể loại nhạc cũng dần có xu hướng pha trộn lẫn nhau. "Có một xu hướng thể hiện rõ trong nhiều danh sách âm nhạc được khán giả trẻ hiện nay yêu thích là sự đa dạng từ thể loại, ngôn ngữ cho đến phong cách bài hát. Toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ được cá tính với thông điệp - tìm kiếm cảm giác cộng đồng thông qua âm nhạc" - nhạc sĩ Quốc Bảo nhận định.
Khác với những thế hệ trước, Gen Z có nhu cầu khẳng định bản thân cao nên họ hay sử dụng chính mình để định hình thương hiệu cá nhân. Không còn là một nhóm đối tượng với những đặc điểm nhận dạng chung, thế hệ Z với những cái tôi mỗi người mỗi vẻ. Nắm bắt được điều đó, các "ông lớn" trong nền công nghiệp âm nhạc đã tập trung đẩy mạnh nội dung âm nhạc mang tính cá nhân hóa, được ví như chiếc chìa khóa vàng trong chiến dịch quảng bá.
Ví dụ như bằng công nghệ machine learning (máy tự học), Spotify phân tích tự động thói quen nghe nhạc của người dùng. Từ đó, trên trang chủ, người nghe sẽ tìm thấy những gợi ý ca khúc, nghệ sĩ hay danh sách ca khúc rất đúng với sở thích của người nghe nhạc. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy thích thú khi tìm ra được nhiều bài hát mới, lạ nhưng nghe lại "nghiện không ngờ".
Nhiều người trong giới âm nhạc trong nước cho rằng ngoài sự phát triển của các nền tảng nội dung âm thanh như Spotify, SoundCloud, Apple Podcast, Google Podcast..., những năm gần đây, nền tảng phát trực tiếp nhạc trở nên phổ biến và chi phối thị trường nhạc số. Bên cạnh cung cấp các ca khúc mới, họ còn chú trọng vào các danh sách phát, kênh mp3… phù hợp với sự quan tâm của nhóm khách hàng quan trọng là Gen Z. Với kho dữ liệu khổng lồ, các nền tảng nhạc số vừa phân chia theo thể loại nhạc vừa theo cảm xúc và cả chức năng của chúng đối với tâm lý con người, nhất là thế hệ thanh thiếu niên.
Nhạy bén với thời cuộc
So với những thế hệ trước, Gen Z đang tận hưởng một cuộc chơi rộng khắp thế giới, qua đó tận hưởng âm nhạc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều nổi bật dễ nhận diện nhất của thế hệ khán giả trẻ hiện nay chính là màu sắc phong phú cùng đề tài trong âm nhạc mới.
Bên cạnh những chủ đề quen thuộc như tình yêu, trường lớp, thế hệ này cho thấy họ hứng thú đặc biệt với những ca khúc về du lịch và khám phá. Những ca khúc như "Đi để trở về," "Đưa nhau đi trốn", "Bài ca tuổi trẻ" đều đạt được những lượt nghe rất lớn. Khát khao được đi, được trải nghiệm và khám phá luôn nằm sâu bên trong những bạn trẻ còn đang độ tuổi thanh xuân này.
Những bài hát Việt với ca từ mang tính chiêm nghiệm và thức thời của Chillies, Đen Vâu, Trúc Nhân… được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Khán giả cũng nhạy bén với thời cuộc, dành sự quan tâm cho các vấn đề xã hội khi "Thật bất ngờ" của Trúc Nhân nói về thế giới showbiz hay "Ghen Cô vy" về đại dịch Covid-19 đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua ca từ dễ nhớ và dễ thuộc, những thông điệp xã hội vốn khô khan lúc trước đã được truyền tải rộng rãi hơn qua lời ca tiếng hát.
Nhiều nhận định cho rằng khán giả trẻ hiện nay hời hợt, thiếu chiều sâu. Nhưng những gì đang được khán giả trẻ yêu thích lại chứng minh ngược lại. Nhạc Trịnh, nhạc xưa, nhạc cách mạng… đều được yêu thích dưới một diện mạo khác, trẻ trung và đương đại. Khán giả cũng mê mẩn âm nhạc đầy triết lý của người trẻ như nhạc của Lê Cát Trọng Lý, âm nhạc chiêm nghiệm của Phan Mạnh Quỳnh hay phong cách mô tả hiện thực cuộc sống chân thật và sống động của Ngọt band, Đen Vâu…
Sự thăng hạng của nhạc indie (nhạc độc lập) là minh chứng cho diện mạo của lớp khán giả trẻ hiện nay. Dòng chảy indie là một phong cách âm nhạc tiệm cận với quan điểm Do it yourself trong thu âm và sản xuất âm nhạc.
Theo một nghĩa rộng hơn, khái niệm indie không chỉ miêu tả việc sản xuất âm nhạc độc lập mà còn dùng để chỉ các sản phẩm hoặc phong cách không thể xếp được vào những thể loại nhạc hiện có. Và sắc màu âm nhạc này chính là thứ mà khán giả yêu nhạc trẻ hiện nay tìm kiếm.